Giá trị của trà trong lòng người Việt

Uống trà được coi là một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực Việt Nam, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp xã hội, giúp người với người xích lại gần nhau, xua đi những mặc cảm, oán thù và những áp lực vô hình của cuộc sống. Theo thời gian, trà vẫn giữ nguyên nét đẹp văn hoá, tinh thần của mình, không bị mai một hay lãng quên. Giá trị của trà luôn bền vững cùng thời gian, gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc.

Văn hoá trà Việt gắn liền với lễ nghi

Ca dao Việt Nam có câu “Chè ngon, nước chát xin mời/Nước non non nước, nghĩa người chớ quên”. Câu thơ này giúp thể hiện nhiều tầng ý nghĩa quan trọng của trà. Đây được coi như vật thể hiện sự kính trọng đối với thế hệ đi trước, đồng thời khẳng định và nâng cao giá trị cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Văn hoá uống trà đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước, khi mà chúng xuất hiện trong các buổi cúng đình hay những hàng quán ven đường cuối chợ. Dù gia đình thuộc giai cấp xã hội nào thì tách trà cũng trở thành hình ảnh quen thuộc trong không gian sống: người giàu thì đặt trà trong ấm vàng ấm bạc, người khó khăn thì đựng trà trong bình đất, bình gốm đơn sơ… Nhưng quan trọng hơn cái bình cái ấm, người Việt từ xưa luôn luôn gìn giữ, chăm chút từng lá trà, kỳ công trong việc đun nước, chuẩn bị trà cụ, giữ nóng ấm trà…. để tạo ra bình trà thơm ngon, tuyệt hảo nhất. Tỉ mỉ là vậy nhưng họ đâu có giữ trà cho riêng mình. Họ mời nhau những tách trà nồng đượm tình cảm giữa người với người, trao cho nhau những câu chuyện ý nhị, nhẹ nhàng.

 

Văn hoá trà Việt không chỉ thể hiện lòng hiếu khách mà còn bày tỏ sự hiếu thảo với bậc sinh thành. Không khó để bắt gặp hình ảnh những người con cung kính dâng lên những chén trà thơm ngon dành tặng cho ông bà, cha mẹ trong những ngày lễ quan trọng của gia đình. Văn hoá thưởng trà lúc này đã được nâng lên một tầm cao mới, không chỉ là cảm nhận hương vị thơm ngon của từng búp trà mà còn là thấm nhuần đạo lý của truyền thống gia đình, xóm làng, đất nước qua vị trà đượm đà, đặc trưng. Vị trà ấy đã gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu thiêng liêng và đạo lý hướng về nguồn cội. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi của trà, giúp văn hoá uống trà ngày càng được yêu mến, coi trọng.

Ý nghĩa văn hoá trà đạo

Nghệ thuật trà đạo tại Việt Nam bộc lộ rõ nét tính cách và triết lý sống của con người tại mảnh đất hình chữ S. Văn hoá thưởng trà xưa nay đều được phát triển dựa trên truyền thống quý báu của dân tộc, đó chính là tôn trọng người lớn, uống nước nhớ nguồn. Con cháu pha trà cho bố mẹ thể hiện sự chu đáo, tận tâm, yêu thương, cảm tạ đấng sinh thành. Vợ pha trà cho chồng thể hiện sự ân cần, chu đáo, thuỷ chung son sắt. Những năm tháng bể dâu của đất nước, người với người vẫn mời nhau những chén trà nồng những mong đất nước yên bình, tình cảm lan toả rộng rãi. Chén trà lúc này đã vượt qua phạm vi là một thức uống bình dị của người dân nước Nam, nó đã trở thành một hình tượng thể hiện cho những giá trị tốt đẹp, những tình cảm nồng ấm.

Nghệ thuật uống trà tại Việt Nam cũng được gìn giữ và phát triển theo từng thời kỳ. Sự tỉ mỉ trong khâu chọn trà, chuẩn bị nguyên liệu, trà cụ, cách pha trà, thưởng trà… đều được đề cao và coi trọng. Đây không chỉ là phép tắc uống trà mà còn là một cách để làm thanh tĩnh tâm hồn, giúp tinh thần con người luôn tích cực, lạc quan và vui vẻ.

Việc uống trà đơn thuần đã được kết hợp với những giáo lý nhà Phật để nâng cao thành nghệ thuật thưởng trà mang nét văn hoá đặc trưng của dân tộc. Đây cũng chính là ý nghĩa cốt lõi của trà đạo, giúp giá trị của trà được ghi nhận sâu sắc trong suốt chiều dài 4000 năm lịch sử của đất nước.

Son tu tho & tra Oolong

Giá trị của trà trong văn hoá Việt Nam ngày nay

Việt Nam đang trên đà hội nhập quốc tế, phát triển những giá trị văn hoá tinh thần qua nhiều phương diện khác nhau. Tuy nhiên, trà vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng của nhiều người Việt. Không khó để ta bắt gặp những chén trà nồng trong buổi gặp mặt gia đình những dịp Tết đến xuân về, ngày lễ Gia đình, ngày cưới trọng đại… Chén trà vẫn nằm đó với tất cả sự chỉn chu, thể hiện vẹn nguyên giá trị văn hoá vốn có của mình.

Người ta vẫn dùng trà để nhâm nhi một thức bánh ngọt, trao cho nhau những nụ cười và những câu chuyện thú vị về đời sống xung quanh. Thức uống này là “cầu nối” cho những tình cảm đẹp đẽ trong xã hội, đồng thời còn là “công cụ” gắn kết văn hoá giữa nhiều dân tộc, nhiều đất nước trên thế giới.

Tìm đến văn hoá trà Việt là tìm đến những giá trị xưa cũ nhưng vẹn nguyên nét đẹp tinh thần. Giữa bộn bề cuộc sống, chẳng gì thú vị hơn khi ta được thưởng thức chén trà nồng và nhâm nhi câu chuyện cùng những người ta thương mến, quý trọng. Thức uống đượm đà này sẽ lan toả những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, đồng thời gắn kết tình cảm giữa người với người một cách toàn vẹn và vô cùng ý nhị.