Uống trà – Phong tục độc đáo trong đời sống người Việt

Thưởng trà là nét văn hóa độc đáo có từ lâu đời của người Việt. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, tập tục uống trà vẫn mang vẻ đẹp riêng của nó, thể hiện chiều sâu văn hoá và những giá trị cốt lõi đáng trân trọng. Dù bánh xe thời gian có trôi nhanh đến như thế nào thì con người ta vẫn cảm nhận được nét đẹp trong văn hoá uống trà. Đây không chỉ là thức uống mang đậm bản sắc dân tộc mà còn là “sợi dây” kết nối tình cảm giữa người với người. Người Việt có phong cách uống trà cởi mở và đầy phóng khoáng, hầu như không theo một chuẩn mực hoặc quy tắc nào. Điều này thể hiện trong văn hoá pha trà, trà đàm và cách thưởng trà.

am tu sa

Văn hoá uống trà xưa và nay

Trà đạo Việt Nam không giống như trà đạo Nhật Bản, trà đạo Trung Quốc. Nền văn hoá lâu đời của nước ta đã ảnh hưởng rất nhiều tới nghệ thuật pha trà, thưởng trà tại Việt Nam. Chúng vừa phản ánh được nét đẹp văn hoá qua 4000 năm lịch sử, vừa cởi mở, giao thoa, phù hợp với đời sống hiện đại, tiện nghi. Người Việt thường thưởng trà theo cách độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người) hoặc quần ẩm (nhiều người). Phong trà (phong cách uống trà) tại Việt Nam thể hiện rất rõ khía cạnh văn hoá ứng xử của người dân mảnh đất hình chữ S. Các bậc tiền nhân đã cho rằng, ẩm trà là một nghệ thuật, mà nghệ thuật thì phi công thức.

Trong phong tục trà cổ xưa, đôi khi cung cách mời trà cũng trở thành thước đo để đánh giá người mời trà có học thức, cung cách, phong thái chuẩn mực như thế nào. Chén trà nồng đã trở thành một thước đo cho những giá trị cốt lõi, đồng thời thể hiện một nền văn hoá lâu đời, đặc sắc và vô cùng thú vị.Nghệ thuật trà đạo trong thời đại ngày nay vẫn giữ nguyên được những hương vị đặc trưng của mình, có khác chăng chỉ là phong cách pha trà và địa điểm thưởng trà mà thôi. Ngày nay, chén trà nồng đượm có mặt tại khắp mọi nẻo đường, len lỏi trong mọi hoạt động sống của con người Việt Nam. Không chỉ xuất hiện ở những dịp quan trọng như ma chay, cưới hỏi… trà còn xuất hiện trong mọi hoạt động thường nhật, hỗ trợ tối đa việc chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần cho con người.

Phong tục uống trà độc đáo của người Việt

Tập tục uống trà trong ngày hôn lễ

Trà là một giống cây tươi tốt quanh năm, do đó người xưa quan niệm rằng những ước nguyện tốt đẹp về tình yêu, cuộc sống và hôn nhân sẽ gói gọn trong những chén trà thanh khiết, thơm ngon.

Những gói trà xanh bọc gói cẩn thận trên những mâm sính lễ của nhà trai đến hỏi cưới nhà gái, những chén trà nồng mời khách trong bữa tiệc của quan viên hai họ… đều là những hình ảnh đẹp trong ngày hỷ sự. Chúng đã thể hiện phần nào tập tục uống trà của người dân Việt Nam, đồng thời ghi dấu ấn văn hoá đậm nét trong lòng mỗi người con đất Việt.

Phong tục thưởng trà trong những nghi lễ cúng tế

Tại nhiều gia đình Việt Nam hiện đại, vẫn còn nhiều gia đình có thói quen thờ cúng tổ tiên bằng bình trà/ ấm trà. Đây là một nghi thức thường thấy ở người Việt xưa. Chén trà thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và sự kính trọng đối với thế hệ đi trước. Vì thế mà cao dao Việt cũng có câu “Chè ngon, nước chát xin mời/Nước non non nước, nghĩa người chớ quên”.

Trà không chỉ thể hiện những triết lý cuộc sống mà còn có công năng tăng cường sức khoẻ. Trà có thể giải độc, giải rượu, làm mát gan, không những vậy còn giúp trí lực con người được cải thiện rõ rệt, tinh thần vì thế mà trở nên tích cực và lạc quan. Bên cạnh đó, trà còn giúp kết nối những giá trị xưa cũ thông qua những buổi trà đàm đầy thi vị. Đây là một thú vui tao nhã của người Việt, thể hiện nét đẹp trong văn hoá trà đạo của dân tộc.

Phát triển phong tục uống trà tại Việt Nam trong thời đại mới

Trong tương lai, tập tục uống trà tại Việt Nam tiếp tục được phát triển và được nhiều người đón nhận. Chúng sẽ không mai một theo dòng chảy của thời gian mà ngược lại, càng ngày càng thấm nhuần ý nghĩa văn hoá và giá trị cốt lõi. Trà đạo Việt Nam đọng lại những tinh tuý văn hoá nhờ phong trà tinh tế, thể hiện một quá trình hưởng thụ ý nhị về cả thể xác lẫn tâm hồn người Việt.

Hương thơm nồng, vị hậu ngọt, chát nhẹ… luôn là những điều quen thuộc trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt mỗi khi nhắc đến văn hoá trà. Phong tục uống trà độc đáo đã thể hiện rõ nét nhất những giá trị cốt lõi về lịch sử, văn hoá, con người, trở thành “sợi dây” kết nối tình cảm nồng ấm giữa người với người.

Thời đại mới phát triển nhanh chóng, song song với đó là nhịp sống vội vàng, vội vã của con người. Đâu đó giữa thành phố xô bồ và náo nhiệt, trà và nghệ thuật trà đạo vẫn tồn tại để níu chân người dùng trở lại với nhịp sống chậm rãi, nhẹ nhàng, thoải mái và an yên.